Có 1 chuyện vui như thế này. Có 1 lần, Lâm drama post video clip công thức này trên Tiktok. Ghi tên thật Ricciole (đọc là /rik-chô-lê/) thì có lẽ không ai biết, nên mình ghi chung chung là "bánh mì Ý". Có 1 bạn Ý mới nói giọng rất là không dễ thương "bánh này không phải Ý, cái gì cũng ghi Ý vào". Mình hiểu cách nghĩ này, vì chính bản thân mình đi du lịch hoặc lên mạng, thấy nhiều người ở nước khác, hoặc Ý thế hệ 2, 3 ở Mỹ post mấy công thức nấu ăn nó không còn Ý nữa. Ví như món spaghetti bolognese nổi tiếng khắp nhân gian là 1 món tự phát hình như bắt nguồn từ Mỹ. Nhưng ở Ý, mọi người sẽ không bao giờ tìm được món đó. Ý chỉ ăn sauce Bolognese (ở Ý gọi là RAGU - đọc là /ra-gu/) với mỳ tagliatelle làm bằng tay (Spaghetti thì không làm bằng tay tại nhà, tagliatelle - kiểu mì cọng to của VN là làm được). Món Tagliatelle al ragu là 1 món quốc hồn quốc túy của Ý, nó là 1 món biểu tượng của sự sum vầy và những kỉ niệm gia đình. Các bạn cứ tưởng tượng, người Ý thường nói "thứ 7 rồi, chủ nhật rồi, phải làm tagliatelle ăn với ragu". Các cụ già như cụ Anella của mình luôn luôn làm món mì ấy bằng tay mỗi cuối tuần khi con cháu 2, 3 thế hệ đến quây quần ăn uống cùng nhau. Khi cụ mình đã rất già yếu, 95, 97 tuổi, thì cụ vẫn giữ thói quen ăn món ăn đó vào cuối tuần. Nên thứ 7 nào mình cũng không cần hỏi mà lẳng lặng làm món tagliatelle al ragu cho cụ. Và cụ luôn vui vẻ kể cụ đã làm như thế nào. Mà các cụ nhà mình mà dạy nấu ăn thì nó... ngộ lắm mấy chế! Không có công thức, số gram hay cup gì hết, hỏi làm sao, cụ bảo thì bỏ bột, bỏ trứng vào và nhồi. Trời! nói vậy ai làm dc trời! Mình bắt bẻ quá thì cụ nói "sao cụ nhớ số được, thôi hôm nào con muốn làm thì mua nguyên liệu rồi cụ chỉ tận tay" hahhaha! Nên mình cũng bày trò nấu ăn với cụ vài lần. Quay lại comment của bạn kia. Do món Ý quá nổi tiếng, nhiều người phăng ra, người Ý di cư, nhiều thế hệ họ hưởng thụ văn hóa gốc từ ông bà kết hợp với địa phương, họ làm ra những món khác không còn Ý nữa. Nhưng họ vẫn gọi nó là "Ý". Nên cái bạn Ý kia nghĩ mình cũng như vậy, và hơi cau có nói mình. Bản không biết tui sống ngay Ý nhà bạn ấy và còn học nấu ăn và làm trong nhà hàng. Có điều, bản không biết món bánh mì này, vì bánh mì này từ tp bé nhỏ nhà mình, nếu không du lịch, đam mê ẩm thực nhiều thì sẽ không biết. 😜 Hồi xưa, khi tui còn làm cho tiệm bánh, chiếc Ricciole này là 1 trong những thứ bán chạy nhất, nó rất ngon, mềm mượt, tách lớp, ăn không cũng ngon mà kẹp thịt cũng tiện. Mình mà làm bánh này thì anh béo và bé Quậy lại tăng vài lạng, vì cứ chén tì tì!! Con bạn thân mình mà thấy hình đăng FB là nó mò mặt đến xin. 😆 Mình tính comment chua ngoa lại cho bạn kia, nhưng hình như hôm đó đang vui, nên thay vì phun dao nĩa thì mình phun châu nhả ngọc, hahha, mình nói mời bạn đến tp Ferrara nơi tui đang sống. Xí! 😝
Nguyên liệu
500 gr bột mỳ
200 gr sữa tươi
100 -130 gr nước lọc. (không thay nước bằng sữa 100%, bánh sẽ bị bết dính ko ngon).
Xíu muối
Xíu dầu ăn
7 gr men bánh mỳ khô hoặc dùng men tươi tầm ... 12 -15 gr
100 gr bơ tan chảy
Cách làm
Trộn bột mỳ, sữa tươi, muối, dầu ăn và men vào. Sau đó cho nước từ từ vào cho đến khi nhồi bột tách khỏi thành thố là dc. Nếu bột quá nhão, cho thêm bột, bột quá khô, cho thêm nước.
Đậy kín, cho nghỉ 2 tiếng gì đó, cho tới khi bột nở gấp 2.5 -3 lần là được.
Đập xẹp bột. Cán bột dày tầm 7mm. Dùng cọ phết 1 lớp bơ lên bột, gấp bột làm 3 như hình. Bọc cục bột bằng giấy baking, cho vào tủ đá 15 phút.
Mang ra cán bột dày tầm 7mm, phết thêm 1 lớp bơ nữa, và lại gấp 3, bọc lại, cho và tủ đá 15 phút.
Mang ra cán bột dày tầm 1 - 1.5 cm. Phết 1 lớp bơ lên mặt.
Cắt thành sợi, bề ngang tầm 2 - 2.5 cm.
Xoắn nó lại và tạo hình cái vòng tròn. Nhớ khép chặt cái vòng, vì bánh mì dễ bung khi nở to.
Cho lên vỉ nướng có giấy baking chống dính. Cho bột nghỉ, nở tầm 70%.
Chuẩn bị lò nướng 200 độ C.
Nướng cho tới khi bánh chín vàng tinh tươm, siêu đẹp.