Cụ nhà mình vừa tròn 97 tuổi (cùng ngày sinh nhật với tui nữa đó! Nên năm nào cụ cũng nhớ :D) . Nghĩa là cụ sinh năm 1923 sau thế chiến thứ nhất và cụ là testimony cho thế chiến thứ 2. Mình nghe cụ kể thì nhận ra trong gần 100 năm, nước Ý thay đổi 1 cách khủng khiếp (có lẽ VN mình - Sài gòn cũng vậy). Cụ kể là:
- Cụ có 9 anh chị em nhe. Cụ là đứng thứ 3. Thời xưa nhà đông con là thường, y như VN nhỉ! :D
Cụ chỉ học hết lớp 2 thôi, sau đó bị bắt đi làm. Đi làm thật sự ý. Hàng ngày bé Anella 8 tuổi thức lúc 5h sáng, được uống 1 ly sữa, và 1 lát bánh mì, sau đó cuốc bộ ra đồng tầm 45 phút đi bộ. Đi ngang qua các cánh đồng và con hẻm, luôn hái trộm nho và táo trên đường để ăn sáng :D Thời ấy không có dép như mình đâu, mùa ấm thì mang guốc gỗ rất cực. Mùa lạnh thì mang cái "giày" tự làm từ da động vật, bà bảo nó ấm nhưng rất hôi. Công việc của bà là gánh nước uống cho những người nông dân, mang bình 5 lít gì đó, đi bộ 20 phút lấy nước, mang ra đồng cho các cô bác cày ruộng uống. Làm đúng nguyên ngày, khi nào mọi người về thì mới về.
Ăn trưa thì thường bà được nhà thờ có ma sơ cho ăn trưa, bà bảo bà thích thức ăn ở nhà thờ, vì họ có pasta và sốt cà chua, trong khi ở nhà toàn ăn pasta với đậu, ngán lắm. 🤣 (tưởng sơn hảo hải zị gì! :p).
Lớn lên, đủ để cày bừa, bà phải trồng cây canapa, sau đó tước xơ của nó, ngâm nó trong hồ đầy nước, rồi hàng ngày giẫm đạp cho cái xơ ấy nó mềm ra. Rồi mùa đông không cày ruộng thì ngồi làm chăn, làm vải bằng sợi canapa. --> Mình nghe thế thì mình rất ngạc nhiên, mình hỏi bà còn cái chăn nào không, bà liền mang mình vào phòng, chỉ trong tủ. Mang ra sờ thử, trời ơi, chăn quỷ gì mà cứng lắm, rất là khó chịu, quấn quanh người thì còn thấy ngứa da nữa. Mình nói sao mà khó chịu vậy bà, bà nói thời ấy chỉ có thế thôi con ơi! 😭Nhưng được cái chăn mền canapa rất là bền.
Bà nói lần đầu tiên bà đến trung tâm thành phố (nơi mình ở - bà ở vùng nông thôn), là lúc 10 tuổi, đi bộ trên đôi guốc gỗ hơn 10 km đi, và 10km về. Lúc 16 tuổi là lần đầu tiên được mua cho 1 đôi sandals.
Thời chiến tranh, mọi người trong vùng phải bỏ nhà đi hết, họ sơ tán trong 1 cái trench (như là cái địa đạo ở Củ Chi cách nhà mấy trăm mét gì đó). Mọi người núp dưới đó và ăn uống, trong khi nhà thì bị lính Đức chiếm ở. Lúa mì họ gặt được đều phải bị nộp cho chính phủ nuôi lính, nhưng nhà bà và mọi người đều giấu 1 lượng lúa mì để được (họ cho số lượng rất ít, nên phải giấu thêm đó). Bà nói hàng tối, cả đại gia đình, bao gồm cả cô, cậu và ông bà ngồi giã lúa mì ra thành bột và nướng bánh mì. Bà bảo mùi thơm ngút. (Hic! Khổ vậy hèn chi mùi bánh mì dã chiến thế mà cũng được khen!). Sau khi lính Đức đi, họ quay trở về nhà, và phải vất hết chăn màn chiếu gối đi, vì đầy chí rận! Hahaha! Gớm quá.
Thức ăn thời xưa: hồi xưa mọi người phải làm lụng rất cực nhọc, không có máy móc, xe hơi, toàn đi bộ thôi. Bà làm việc nhiều đến độ mà 2 cánh tay và bàn tay nó deform, tuổi đang phát triển mà làm việc nhiều tới nỗi cánh tay to và rất dài, bàn tay thì y như bàn tay người khổng lồ, hình dạng rất là kỳ. Để hôm nào mình bắt bà dang tay ra mình chụp hình mới được! Người Ý hồi xưa thực sự ăn uống rất tốt như nhiều sách vở đã nói, nghĩa là họ ăn dầu olive, lượng thịt họ ăn hồi xưa bằng mình tính cho kiểu ăn người ăn chay không thịt. Vì rất rất ít. Ít ở mức mà 1 con gà chia cho gia đình 15 người ăn (không biết chia kiểu nào!). Mà đấy là "tiệc" rồi đó!
Bà bảo sống ở nông thôn không bị đói như thành thị hồi xưa, vì họ tự cung tự cấp, luôn luôn có sữa từ bò, trứng từ gà, lúa mì và trái cây, rau củ. Bánh mì thì chỉ là nguyên cám thôi, tự nghiền bột, tự nướng tại nhà. Tự làm phô mai. Các nguyên liệu chính trong bửa ăn bao gồm: Bánh mì nguyên cám, pasta (không biết có nguyên cám không, để hôm nào hỏi!), sữa, trứng, đậu, các loại đậu đen, đỏ, trắng,..., sốt cà chua, mứt trái cây (thi thoảng thôi), bánh ngọt (rất rất ít, chỉ tiệc mới có!), đồ ngọt chủ yếu thời của bà là kem pastry làm từ sữa + trứng + xíu đường khuấy lên cho đặc đó. Bà mà chê ai không biết nấu ăn, hay quá đoảng, bà thường nói "có mỗi kem mà cũng không biết nấu! Hahahha! Bà không biết là kem đó đâu có dễ đâu! Không biết làm dễ bị lợn cợn! :p Nhưng chắc thời xưa, họ không chú trọng những thứ đó, chỉ cần có vị ngọt béo và kem đặc lại là được! :p
Bà bảo món ăn trường kỳ kháng chiến là pasta cùng đậu. Không có thịt. Họ có phô mai tự làm, nhà thờ thì pasta cùng sốt cà chua. Vậy là xong rồi đó. Dầu là dầu olive extra virgin. Cái gì cũng in ít thôi chứ không chan chứa như bây giờ, vì đâu có dư dả thức ăn.
Khi lấy chồng, bà và chồng sống trong nhà của 1 gia đình địa chủ. Họ cho bà 1 căn phòng bé tầm 6m x 6m, bà sanh 3 đứa con là thành 5 người, và vẫn sống tới lúc bé nhỏ nhất hơn 2 tuổi thì mới mướn được 1 căn nhà (là nhà hiện tại gần nhà mình). :D
Thế nên ai muốn khỏe, thì phải vận động liên tục va ăn uống đơn giản như cụ Anella của mình nha! :D